ATIGA là gì? ATIGA là viết tắt của từ nào? Cùng tham khảo bài viết sau để biết thêm thuật ngữ ATIGA trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhé!
ATIGA là gì?
ATIGA là tên viết tắt của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ASEAN Trade in Goods Agreement). Hiệp hội được ra đời với mục đích điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối ASEAN. Nó được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/ AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các thỏa thuận FTA mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.
Thông tin cơ bản về Hiệp định Thương mại Hàng hóa ATIGA là gì?
Thời gian kí kết: 2/2009
Có hiệu lực từ ngày: 17/5/2010
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) tiền thân là Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) kí năm 1992.
Việt Nam tham gia ASEAN từ năm 1995, bắt đầu thực hiện CEPT/AFTA từ năm 1996 và sau này tiếp tục thực hiện ATIGA.
ATIGA là gì? Là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN, điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan.
Mức cắt giảm thuế quan của ATIGA
Theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, các nước ASEAN đã gần đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan.
Đối với các nước ASEAN-6, 99,2% số dòng thuế đã được xóa, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã được loại bỏ tính tới năm 2017.
Đến năm 2018, tỉ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN là 98%.
Thực thi của Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thực hiện cam kết ATIGA, tính đến ngày 1/1/2014, Việt Nam đã cắt giảm về 0% đối với 6.897 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế nhập khẩu).
Đến ngày 1/1/2015, Việt Nam cắt giảm về 0% thêm 1.706 dòng thuế nữa. Số còn lại gồm 669 dòng thuế (chiếm 7% Biểu thuế), chủ yếu là những sản phẩm nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018, bao gồm: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa…
Các sản phẩm không phải xóa bỏ thuế nhập khẩu (duy trì thuế suất MFN) gồm Thuốc lá điếu, lá thuốc lá, các mặt hàng an ninh quốc phòng như thuốc nổ, súng đạn, pháo hoa, rác thải y tế, lốp cũ…
Thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan theo ATIGA giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018.
Một số nội dung hiệp định ATIGA là gì?
Cam kết cắt giảm thuế quan
Nguyên tắc cam kết: tất cả các sản phẩm trong Danh mục hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN) đều được đưa vào trong biểu cam kết thuế quan của từng nước trong ATIGA, bao gồm cả những sản phẩm được cắt giảm thuế và cả những sản phẩm không phải cắt giảm thuế.
Lộ trình cắt giảm thuế quan của các nước ASEAN-6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore) thường ngắn hơn các nước còn lại – nhóm CLMV bao gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.
Qui tắc xuất xứ
Hàng hóa chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo ATIGA nếu có xuất xứ từ khu vực ASEAN. Một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu:
1. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN.
2. Hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về qui tắc xuất xứ trong Hiệp định.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Để được hưởng ưu đãi thuế quan, theo ATIGA, nhà xuất khẩu phải xin Chứng nhận xuất xứ form D tại một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Ở Việt Nam là 18 Phòng Quản lí Xuất nhập khẩu thuộc Cục Xuất Nhập khẩu – Bộ Công Thương và 37 Ban quản lí Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Bộ Công Thương ủy quyền.
Hiện nay, các nước ASEAN đang hướng tới việc áp dụng cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ, cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ mà không cần phải thông qua một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Đã có hai dự án thí điểm về Tự chứng nhận xuất xứ đang được các nước ASEAN thực hiện, theo đó các nhà xuất khẩu đủ điều kiện sẽ được tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn thương mại cho hàng xuất khẩu